Gọi ngay: 0336606033 để được giao hàng tận nơi - Miễn phí giao hàng nội thành Thành phố Hồ Chí Minh cho đơn hàng từ 500.000 đồng

Chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương: Tăng hiệu quả phòng, chống dịch bệnh

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Bình Dương là một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước. nhưng trong những năm gần đây ngành chăn nuôi vẫn được duy trì phát triển ổn định. Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, hàng năm tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng trung bình khoảng 9%; đến nay, tổng đàn gia súc ước đạt trên 867.000 con, tổng đàn gia cầm ước đạt trên 13 triệu con.

Phần lớn là chăn nuôi công nghệ cao

Cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh được chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao. Tổng đàn heo (đàn gia súc chủ lực) chăn nuôi công nghệ cao chiếm khoảng 63,4%, chăn nuôi gia cầm (gà, vịt) công nghệ cao chiếm khoảng 70,5% so với tổng đàn gia súc, gia cầm.

Mô hình chăn nuôi theo hướng công nghệ cao được hiểu là việc ứng dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất, bao gồm: cơ giới hóa, tự động hóa; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; sử dụng các giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao nhằm đạt hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững theo hướng công nghiệp, bảo vệ môi trường, định hướng xuất khẩu.

Việc áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao giúp giảm bớt sức lực, thời gian cho người lao động; nâng cao độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí; giúp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để nên đã được xem là xu hướng tích cực cho ngành chăn nuôi hiện nay.

Thực tế hiện nay đã cho thấy trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều công ty, trang trại chăn nuôi tư nhân là điểm sáng trong việc áp dụng chăn nuôi công nghệ cao như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, Hệ thống trại Chăn nuôi Vĩnh Tân, Công ty cổ phần 3F Việt…

Chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương

Mô hình chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo của Công ty Emivest.

Ngoài ra còn có 03 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn (Công ty Cổ phần Anova Agri Bình Dương, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng, Công ty TNHH Ba Huân), với tổng diện tích đất được giao là 567,91 hecta và quy mô tổng đàn khoảng 1,3 triệu con gà, trên 850 con bò sữa.

Hầu hết các trang trại chăn nuôi công nghệ cao đều được xây dựng theo mô hình chuồng kín, trại lạnh có điều hòa nhiệt độ, hệ thống quạt thông gió và áp dụng theo nguyên tắc “cùng vào – cùng ra” để đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời, các trang trại áp dụng tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, sử dụng hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng, hệ thống tiêu độc khử trùng tự động…để góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi và đạt hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương

Mô hình chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao tại xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng của Trang trại Minh Tân Phát.

Hiệu quả rõ nét

Thực tế đã cho thấy, trong bối cảnh bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra thời gian vừa qua thì các mô hình chăn nuôi công nghệ cao đã chứng minh được hiệu quả rõ nét đối với công tác phòng chống dịch. Theo thống kê của Cơ quan Thú y, bệnh Dịch tả heo Châu Phi đã làm tổng đàn heo toàn tỉnh thời điểm đầu năm 2020 giảm khoảng 5,79 % so với cùng kỳ năm 2019, nhưng số lượng heo chỉ giảm nhiều ở đàn heo chăn nuôi hình thức nông hộ, không áp dụng chăn nuôi công nghệ cao (giảm 59,97 %). Đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và các trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ cao thì tổng đàn heo tăng 1,35 %. Qua đó cũng đã cho thấy việc tái đàn chăn nuôi sau dịch bệnh chỉ có thể thực hiện hiệu quả tại các trang trại chăn nuôi công nghệ cao được xây dựng theo mô hình chuồng kín đảm bảo an toàn sinh học.

Và một minh chứng khác cho thấykết quả nổi bật, gần đây nhất của việc áp dụng thành công mô hình chăn nuôi công nghệ cao để phòng chống dịch bệnh là Hệ thống trại Chăn nuôi Vĩnh Tân. Cụ thể vào tháng 08 năm 2020, tại thời điểm trên cả nước vẫn còn 96 xã của 17 tỉnh xảy ra dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi, nhưng lần đầu tiên trên cả nước đã có 04 trang trại chăn nuôi mô hình công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Dương của Hệ thống trại Chăn nuôi Vĩnh Tân được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi.

Ngoài ra, kết quả công tác phòng chống dịch trong những năm vừa qua của ngành Thú y cũng cho thấy hầu hết các trường hợp xảy ra bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đều được phát hiện tại các hộ chăn nuôi không áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao.

Chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương

Mô hình chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao tại xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng của Hệ thống trại Chăn nuôi Vĩnh Tân.

Chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương

Mô hình chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên của Hệ thống trại Chăn nuôi Vĩnh Tân.

Như vậy, trước những tác động phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nguy cơ tái phát bệnh Dịch tả heo Châu Phi và nguy cơ phát sinh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm có thể lây lan sang người thì việc đẩy mạnh thực hiện các mô hình chăn nuôi công nghệ caotrên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian qua là hướng đi phù hợp, là giải pháp quan trọng, mang tính quyết định tới hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững./.

 

An toàn sinh học: Chìa khóa giữ đàn heo

Ông Võ Bá Cang – chủ hệ thống trang trại heo Vĩnh Tân cho biết, năm 2012, ông bắt tay đầu tư xây dựng trại lợn Vĩnh Tân 5 tại xã huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) và cho đến thời điểm tháng 5/2020, hệ thống của ông đã có tổng cộng 5 trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bình Dương, với tổng đàn lợn nái 2.900 con, 42.000 con lợn thịt.

Tại các trại nuôi của mình, ông Cang cho biết không chỉ đầu tư làm trại kín mà còn đầu tư cả nhà lưới để chống chuột, chim chóc, côn trùng; cùng với rất nhiều khoản đầu tư khác mới mong giữ được đàn heo. Các phương tiện vận chuyển lợn phải sát trùng nhiều lần mới được vào trại. Xe chở cám cũng phải được sát khuẩn từ cách xa trại 3km. Việc quản lý con người cũng nghiêm ngặt không kém. Trước đây, nhân công vào trại chỉ phải cách ly 2 ngày, nay tăng lên 16 ngày. Trong đó có 14 ngày nhân công phải cách ly vì dịch Covid-19. Tất cả những biện pháp này đều nhằm bảo vệ “tử huyệt” của ngành chăn nuôi là an toàn dịch bệnh và được triển khai đồng bộ cho tất cả các trại nuôi lợn.

Với kinh nghiệm chăn nuôi quy mô lớn trong nhiều năm, ông Cang đánh giá tỉnh Bình Dương có vùng đệm tốt hơn so với Đồng Nai đang phát triển chăn nuôi với mật độ dày đặc. “Đây là điều kiện tốt để Bình Dương tiếp tục cung cấp nguồn thịt heo sạch bệnh cho thị trường” – ông Cang nói.

Nguồn: nhachannuoi.vn - 04/02/2021